21/9 Thánh Matthêu Tông Đồ Thánh Sử

20 / 09/ 2014, 02:09:49

 

Ngày 21 tháng 9

Thánh Matthêu
Tông Đồ Thánh Sử

 

Thánh Matthêu còn gọi là Lêvi, con ông Alphê. Một hôm đi qua sở quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat, Chúa Giêsu thấy Matthêu ngồi ở bàn thu thuế, Ngài liền bảo ông: "Hãy theo Ta". Không do dự, ông liền đứng lên, bỏ mọi sự mà theo Chúa. Và sau đó, ông thiết tiệc tại nhà để khoản đãi Chúa Giêsu, các môn đệ và các bạn hữu, trong số đó có cả những người biệt phái. Họ thắc mắc khi thấy Chúa hiện diện giữa những người mà họ cho là tội lỗi. Chúa Giêsu đã giải thích cho họ: "Ta không đến để gọi những người công chính nhưng để gọi người tội lỗi...".

Trước khi rời Giuđêa để đi giảng đạo, thánh Matthêu đã soạn thảo Phúc Âm đầu tiên bằng tiếng Do Thái vào khoảng năm 50. Vì viết cho người Do Thái nên ngài nhấn mạnh đến kiểu nói và quan niệm riêng họ. Ngài nhắc cho họ biết rằng: "Phúc Âm hoàn tất luật cũ". Ngài chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Có thể nói Phúc Âm của ngài được coi là đầy đủ nhất.

Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Matthêu đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes và sau cùng ngài đã được lãnh phúc tử đạo tại Tarium thuộc Êthiopi.

Thánh Matthêu thường coi như vị thánh quan thầy của những nhà trí thức Công Giáo.


*******


Thánh Phanxicô Phan (Jaccard), Linh Mục
Tôma Trần Văn Thiện, Chủng Sinh

(+ 1838)


Cố Phan

Tên thật là Phanxicô Jaccard, chào đời ngày 06/9/1799 tại Cévillon, Pháp. Lớn lên, ngài được gửi học tại Chủng Viện Mélan, nhưng vì trí khôn chậm hiểu bị bạn bè chế diễu, nên Phanxicô buồn chán rồi lẻn trốn về gia đình.

Nhờ công việc đồng áng và sống giữa thiên nhiên, Phanxicô trở nên vui vẻ dạn dĩ, và tiếng Chúa gọi lại vang dội mãnh liệt trong tâm hồn. Do đó, Phanxicô trở lại tiếp tục việc học trong Chủng Viện, và năm 1819, cậu lên Đại Chủng Viện Chambéry.

Tại đây, Phanxicô nổi bật về đời sống đạo đức với ước muốn đi truyền giáo và được phúc tử đạo. Vì thế, từ tháng 8/1821, Phanxicô gia nhập Chủng Viện Thừa Sai Ba Lê và thụ phong linh mục ngày15/3/1823. Bốn tháng sau, được lệnh Bề Trên, ngài xuống tàu tại Bordeaux sang Viễn Đông. Ngày 25/11/1824, tàu cập bến tại Ma Cao, và mãi tới tháng 02/1826, ngài mới tới địa phận Đàng Trong. Sau một thời gian học tiếng, ngài đi giảng dạy tại Nhu Lý, Phủ Cam và sau đó làm Giám Đốc Chủng Viện An Ninh (Quảng Trị).

Tháng 7/1828, vua Minh Mạng triệu ngài vào kinh để dịch bức thư của nhà vật lý Pháp D. Diard ra tiếng Việt cho vua tường lãm. Nhưng vì thái độ ghét đạo Công Giáo của nhà vua, ngài bị giam lỏng tại Huế, bị đày lên Lao Bảo và bị bỏ đói, rồi bị áp giải về Cam Lộ (Quảng Trị). Suốt 10 năm, ngài phải phục vụ vua Minh Mạng: dịch văn thơ và tài liệu, giảng giải lịch sử Âu Mỹ, dạy tiếng Pháp cho những người do nhà vua gửi tới, hay trình bày cho nhà vua về đạo thánh. Cuối cùng, vào tháng 7/1838, ngài bị giải về lao xá Quảng Trị và gặp lại chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện đang bị giam ở đây.



Thánh Tôma Trần Văn Thiện

Sinh năm 1820 tại làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ nhỏ, ngài đã có lòng đạo đức, ngoan ngoãn và lễ độ. Năm lên 8 tuổi, ngài theo học chữ nho với cha Thọ. Năm 18 tuổi, sau khi đã học La ngữ với cha Wial, ngài được giới thiệu vào Chủng Viện Di Loan (Quảng Trị) do cha Candahl (Cố Kim) điều khiển. Tôma Thiện hăng hái lên đường cùng người chị tên là Sao. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Mađalêna Yến từ Di Loan về cho biết cha Bề Trên Candahl đã phải trốn vì lệnh cấm đạo. Nhưng hai chị em vẫn cứ hăng hái tiến bước và tới Di Loan giữa lúc triều đình đang lùng bắt cha Candahl. Vì không tìm được cha, quân lính bắt một số giáo hữu, trong đó có Tôma Thiện.

Quan trấn Quảng Trị dùng mọi cách như dụ dỗ, đe dọa, đánh đòn, giam đói để lung lạc. Ngài luôn lễ độ trả lời: "Tôi sẵn lòng chịu chết, chứ không bao giờ bỏ đạo". Trước những lời khẳng khái ấy, quan truyền đóng gông và tống giam ngài chung với cha Phanxicô Jaccard.
Ngày 17/9/1838, hai ngài bị lên án tử hình. Khi hay tin, hai cha con vui mừng và tạ ơn Chúa. Ngày 21/9/1838, hai ngài bị điệu tới pháp trường ở làng Nhan Biều, gần Quảng Trị, và bị xử giảo tại đây.

Ngày 27/5/1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong hai ngài lên hàng Chân Phước.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.


Nguồn: http://www.catholic.org.tw
Tag:

Các tin đã đưa ngày: